Hiền Thục - Portrait 17 (Tình Khúc Trịnh Công Sơn) Label: Gia Bảo Productions Release Date: 05/05/2009 Genre: Pop/Acoustic
Tên album xuất phát từ bức chân dung Trịnh Công Sơn vẽ Hiền Thục năm 17 tuổi. Ông ghi "Portrait 17" không rõ là Bức chân dung thứ 17 của Trịnh Công Sơn hay là Chân dung tuổi 17 của Hiền Thục. Đặt tên album “Chân dung mười bảy – Portrait 17”, đơn giản Hiền Thục lấy một kỷ niệm với nhạc sĩ làm cớ để hát nhạc Trịnh Công Sơn. Tất nhiên, Hiền Thục sẽ hát nhạc Trịnh Công Sơn bằng tinh thần của ngày hôm nay, chứ không phải là lối hát hồn nhiên nũng nịu của thời 17 tuổi. Bởi, nếu hát bằng tinh thần âm nhạc ngây thơ đó, có lẽ cô đã không cần phải chờ đợi một thời gian dài mới thực hiện một album nhạc Trịnh như thế này.
CD gồm 9 bài hát, trong đó có 8 bản thu âm mới và một bản lấy lại nguyên bản từ album “Mộc”:
Tracklist: 01 Còn có bao ngày 02 Chiều trên quê hương tôi 03 Về trong suối nguồn 04 Rừng xanh xanh mãi 05 Níu tay nghìn trùng (Feat. Tùng Dương) 06 Cuối cùng cho một tình yêu (thơ: Trịnh Cung) 07 Muôn trùng biển khơi Bonus Track: 08 Đoản khúc thu Hà Nội 09 Còn tuổi nào cho em
Khi nghe hai bài hát “Chiều trên quê hương tôi” và “Về trong suối nguồn” (2 ca khúc được viết vào những năm 80 thế kỷ trước) trong chương trình Quán âm nhạc giới thiệu album “Portrait 17”, chính nhà thơ Đỗ Trung Quân đã xúc động và phát biểu trên truyền hình rằng, thế hệ của nhà thơ đã từng hát những bài hát này bằng một tâm trạng có một chút âu lo, chờ đợi. Còn chính anh nhận thấy thế hệ của Hiền Thục đã hát khác, phơi phới và bình yên. Vẫn là yêu quê hương đó thôi, nhưng cái nhìn và tinh thần của những thế hệ người hát rất khác biệt. Nếu như thế hệ của Đỗ Trung Quân hát nhạc Trịnh bằng tiếng guitar thùng, mộc mạc thì thế hệ mới phải hát bằng những tiếng guitar điện, mạnh mẽ và trẻ trung. Đến với nhạc Trịnh bằng sản phẩm tự đầu tư thực hiện, Hiền Thục xin được chọn hát về tình yêu quê hương và con người, bằng những cảm nhận rất cá nhân và bình yên như thế.
Nhạc sĩ Hồng Kiên lần đầu làm việc cho Hiền Thục đảm nhận phần hoà âm chính cho các ca khúc của album “Portrait 17”.Chính “lần đầu tiên” này đã tạo nên sự mới mẻ trong màu sắc album nhạc của Hiền Thục, đặc biệt là với những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và như quý vị đã thấy, CD là có những bản hoà âm pop, funk, semi –classical rất khác lạ so với chính những gì mọi người đã quen thuộc ở nhạc Trịnh. Ngay cả sự kết hợp với Tùng Dương chắc chắn cũng đem đến cho quý vị sự bất ngờ. Lần đầu tiên Tùng Dương thu thanh nhạc Trịnh Công Sơn. Lần đầu tiên hai ca sĩ cùng trang lứa kết hợp với nhau. Nhưng trên nền hoà âm funky, mỗi ca sĩ sẽ giữ riêng phong cách âm nhạc quen thuộc của mình bằng hai bài hát khác nhau (Níu tay nghìn trùng – Hoa xuân ca) đan xen vào nhau trong một tổng phổ rất ăn ý và mới mẻ.
Tiếng đàn guitar đặc trưng của nhạc sĩ Thanh Phương cũng xuất hiện trân trọng trong album với 2 bản thu acoustic mới “Cuối cùng cho một tình yêu” (thơ Trịnh Cung) và “Đoản khúc thu Hà Nội”. Cùng với bản thu âm “Còn tuổi nào cho em” lấy lại từ album Mộc (sản phẩm do nhạc sĩ Thanh Phương thực hiện), “Portrait 17” cũng có tới 1/3 là phong cách acoustic mà Hiền Thục đã nhận được nhiều lời khen ngợi trong 3 năm gần đây. Việc giữ lại bản thu âm “Còn tuổi nào cho em” cũng là một sự khẳng định một lý do của việc thực hiện album nhạc Trịnh của Hiền Thục. Ca khúc này khi xuất hiện trong CD Mộc đã đem đến cho Thục rất nhiều lời khen ngợi vì sự dung dị trong trình bày, và đó cũng là thời điểm may mắn - chính Thục đã nhận ra chân lý rằng, sự giản dị trong giọng hát là lối hát khó thể hiện nhất, nhưng lại cảm thụ sâu sắc và đến với người nghe nhanh nhất. Chính bản thân Hiền Thục cũng không ngờ bản thu “Còn tuổi nào cho em” đã được người nghe nhạc Trịnh khó tính cỡ nhà thơ Đỗ Trung Quân, MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng chấp nhận và nhiều đánh giá cao. Sự tự tin với nhạc Trịnh của Hiền Thục đến từ “Còn tuổi nào cho em”, và cô quyết định thực hiện một album nhạc Trịnh từ đó.
Đi vào làm nhạc Trịnh, biết trước là khó khăn bởi làng nhạc Việt đã có quá nhiều cây đa cây đề, cũng như có quá nhiều bài học về sự mạo hiểm, Hiền Thục- một người mới đến xin chấp nhận đi một con đường khác. Thục sẽ hát những bài hát còn ít được biết đến, những ca khúc của nhạc sĩ vẫn còn lưu lạc đâu đó. Những bài hát lạ và một lối hát không áp lực vô hình nào cả (kể cả chuyên môn và dư luận) rất hy vọng sẽ làm được một điều nhỏ, gửi đến bộ sưu tập của những người yêu nhạc Trịnh một album “Portrait 17” đầy cẩn trọng nhưng không thiếu tâm huyết nghề nghiệp.